Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bích Liên
Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm, chiếm khoảng 60-70% tổng lượng chất thải rắn đô thị, tại một số đô thị lớn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chiếm đến 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị.
Chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị bình quân đầu người ở các đô thị có mức sống cao như các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trung bình là 1,3 kg/người/ngày, lớn hơn nhiều so với các đô thị loại IV, loại V là 0,5 kg/người/ngày.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và chiếm tới 45 % tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị. Tại các đô thị nhỏ (từ loại II trở xuống), lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng không nhiều do mức sống thấp và tốc độ đô thị hóa không cao.
Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, hiện mỗi ngày đơn vị chức năng của thành phố thu gom, vận chuyển và xử lý gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Đây là lượng rác thải được để đúng nơi quy định, có lực lượng thu gom thường xuyên. Bên cạnh đó, rác thải bị vứt bừa bãi không đúng quy định ở những nơi không có đơn vị quét dọn, thu gom thường xuyên cũng chiếm khối lượng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, việc quản lý chất thải rắn hiện nay đang là bài toán khó đối với cơ quan quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa được xử lý và thải bỏ một cách an toàn. Chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam đang được xử lý chủ yếu thông qua phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Cả nước chỉ có gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã.
Chia sẻ về nguyên nhân rác thải bị vứt bừa bãi, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tình trạng xả rác bừa bãi phần lớn là do ý thức, ý thức kém cùng với thói quen tùy tiện nên nơi nào cũng bị xả rác. Việc xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, đồng thời gây tắc nghẽn cống thoát nước khiến tình trạng ngập nước thêm trầm trọng. Để giảm tình trạng xả rác bừa bãi, các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho người dân cần được tăng cường, làm cho mọi người hiểu rằng hành vi xả rác là trái quy định pháp luật và cần siết chặt các chế tài, công tác xử lý đối với hành vi xả rác bừa bãi.
Nhằm xử lý triệt để vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường, tại hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 ngành TN&MT vừa được Bộ TN&MT tổ chức mới đây, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã “hiến kế” giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vấn đề môi trường hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi cộm là ô nhiễm môi trường nước, chất thải sinh hoạt… Qua khảo sát 3.000 người bệnh tại nhiều bệnh viện trên cả nước, yếu tố khiến người bệnh kém hài lòng nhất không phải là chất lượng khám chữa bệnh hay thái độ phục vụ của y bác sĩ mà chính là… nhà vệ sinh bệnh viện. Nên có đầu mối về cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Đồng thời, đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ xử lý chất thải rắn, rác thải y tế…
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, những năm vừa qua, Hà Nội gặp rất nhiều vấn đề thách thức về tài nguyên môi trường. Đặc biệt là vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, công tác thu gom xử lý chất thải hoàn toàn thủ công; các ao hồ, sông trên địa bàn ô nhiễm nghiêm trọng. Công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến ô nhiễm các dòng sông, xâm hại và sử dụng đất rừng, cạn kiệt đất rừng, bất cập trong việc giải quyết các khiếu kiện của người dân…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, tại Hà Nội ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng của thành phố. Theo đánh giá của thành phố, có 2 nguồn gây ô nhiễm chính là tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng, các công trường xây dựng, hai là lượng ô tô, xe máy lưu thông quá lớn với 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu ô tô. Để giảm thiểu ô nhiễm, dự kiến Hà Nội sẽ lắp đặt 95 trạm quan trắc không khí để bảo vệ môi trường. Nếu mục tiêu này đạt được, Hà Nội sẽ có hệ thống đánh giá không khí đầy đủ và toàn diện nhất, phục vụ việc đánh giá chất lượng không khí và tìm ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay: Trong giai đoạn hiện nay, phát triển ngành tài nguyên và môi trường khó khăn hơn rất nhiều so với những năm trước bởi phát triển phải đi đôi với rất nhiều thách thức trong bảo vệ môi trường, tác động của thiên tai và sự thay đổi của thế giới.
“Hiện nay, nhận thức của thế giới về môi trường đã thay đổi, những quy định trong luật phải thay đổi để phù hợp với điều kiện hiện tại. Ngành tài nguyên và môi trường cũng cần có cơ chế, chính sách để sáng tạo và phát triển. Sử dụng có hiệu quả 1% ngân sách mà nhà nước dành cho quản lý tài nguyên môi trường.Điều quan trọng là thay đổi để có những ứng xử mới với vấn đề tài nguyên và môi trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường cho biết.
Nhằm giải quyết vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT khẳng định, Bộ sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục thành lập các Tổ giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, và việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Đặc biệt trong năm 2019, phấn đấu cả nước đạt 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom vận chuyển và xử lý, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường. Các cơ chế chính sách về phân loại rác thải tại nguồn được ban hành; các mô hình phân loại, thu gom và xử lý chất thải được xây dựng và triển khai nhân rộng. Đồng thời, phấn đấu cả nước đạt 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới để đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế./.